Sản xuất ôtô trong nước: Chờ động lực
Nguy cơ trở thành đất lành cho xe NK
ASEAN là một trong những công xưởng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, nhưng bước đi của mỗi quốc gia trong khu vực có nhiều khác biệt. Nếu như Thái Lan và Indonesia kiên trì với việc xây dựng ngành công nghiệp ôtô, có những chính sách phù hợp trong từng giai đoạn để thúc đẩy thị trường, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, kéo theo sự phát triển lớn trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thì Philippines đang hứng chịu thất bại bởi sự chần chừ. Với dung lượng thị trường khoảng 200.000 xe/năm, quốc gia này cũng từng là điểm dừng chân của nhiều nhà sản xuất ôtô lớn trên thế giới. Tuy nhiên, do thiếu các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, cộng với những lợi thế về giá bán khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực giảm đã khiến Philippines trở thành thị trường màu mỡ cho các DN kinh doanh NK xe.
Thị trường ôtô Việt Nam được dự báo có rất nhiều tiềm năng khi 10 tháng qua đã bán ra 242.681 xe các loại, tăng 30% so với cùng kỳ. Dự báo sức tiêu thụ xe tại thị trường trong nước năm nay đạt khoảng 300.000 chiếc, tăng tới 55.000 xe so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu không có bước đi cụ thể với chiến lược dài hạn, Việt Nam sẽ lặp lại “vết xe đổ” của Philippines.
Sớm có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã chỉ rõ: Xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia XK, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới.
Để hoàn thành mục tiêu trên, cùng cố gắng của mỗi DN thì sự hỗ trợ của nhà nước với những chính sách cụ thể, rõ ràng là rất cần thiết. Sẽ không thể có công nghiệp ôtô nói riêng và công nghiệp phụ trợ nói chung nếu chỉ tính chuyện đường gần là NK xe.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, công nghiệp ôtô nên dựa vào thực tế đang có của Việt Nam để có chính sách phát triển phù hợp như tăng cường hỗ trợ sản xuất trong nước, bảo vệ thị trường thông qua các chính sách quản lý NK. Không thể cùng dàn hàng ngang để tiến, khi đã xác định đâu là mũi nhọn cho phát triển công nghiệp và nền kinh tế thì phải hướng trọng tâm để phát triển tại đó. Đặc biệt, trong Dự Luật Sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, Chính phủ đã đề xuất bổ sung sản xuất, lắp ráp, NK, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ôtô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hết sức cần thiết cho việc xây dựng ngành công nghiệp ôtô.
Hiện nay, các DN sản xuất ôtô trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác đầu tư. Đơn cử như Thaco đang mời gọi Tập đoàn Mazda xây nhà máy tại Khu kinh tế Chu Lai; dự kiến, tháng 2/2017 sẽ xây dựng nhà máy và từ tháng 9/2018, mẫu xe mới thế hệ thứ 3 của Madaz 3 sẽ được sản xuất tại Chu Lai với mục tiêu nội địa hóa 40%. Công ty Hyundai Thành Công cũng vừa đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) trong việc thành lập liên doanh lắp ráp ôtô tại Ninh Bình..
nguồn: baocongthuong.com.vn